1. Nguồn gốc
Từ xưa đến nay, thế gian lưu truyền ngũ danh hương – 5 loại hương thơm quý nhất từ thiên nhiên: chiên đàn hương, trầm hương, đâu lâu ba hương, tất lực ca hương và tử đinh hương. Trong đó, chiên đàn đứng đầu vì tương truyền có thể diệt trừ ô trược (tà khí).
Chiên đàn hương hay còn được gọi tắt là đàn hương là loại cây quý hiếm và thuộc cấp quốc gia tại Ấn Độ và Sri Lanka. Bên cạnh mùi thơm đặc biệt, thanh nhã và quý phái, gỗ chiên đàn còn mang trong mình giá trị tâm linh được các quốc gia Phật giáo lưu truyền như Ấn Độ, Tây Tạng, Sri Lanka,… Chính vì những đặc điểm quý hiếm này mà gỗ chiên đàn được dùng làm các vật phẩm tâm linh, trang sức tâm linh, tượng Phật, các vật phẩm thờ cúng nhằm thể hiên sự kính trọng và mong cầu may mắn, tài lộc, an lạc và thanh tịnh.
2. Công dụng:
Được hình thành chủ yếu ở phía nam Ấn Độ từ 200 – 500 năm, gỗ chiên đàn được xem là biểu tượng của sức sống bởi nó không bao giờ bị mối mọt tấn công.
Bên cạnh tính chất chống tự hoại mạnh mẽ và độ rắn cơ học cao, gỗ chiên đàn còn được dân gian lưu truyền là có thể chữa được các bệnh như trầm cảm, an thần, chống co thắt, lợi tiểu và có công dụng sát trùng, diệt khuẩn, chống viêm.
3. Ý nghĩa:
Trong đạo Phật, gỗ chiên đàn được dùng để làm hương (nhang) hoặc ép lấy tinh dầu và sử dụng rộng rãi vì có khả năng giúp thần trí an tĩnh, điều hòa khí lực, cân bằng cảm xúc và tập trung nên rất có lợi trong việc thiền định. Đặc biệt, phổ biến nhất phải nói đến các chuỗi mala 108 hạt dùng để trì niệm hoặc đeo bên người.
Câu chuyện về cây chiên đàn trong Phật giáo
Một thời, Đức Phật và các thầy tì-kheo an trú ở nước Duy-da-lê. Khi ấy, có ông Ca-la-việt rất kính Phật, tin pháp thỉnh Phật cúng dường. Sau khi Đức Phật chú nguyện xong, Ca-la-việt ra trước Phật kính cẩn cầu xin nghe pháp. Lúc ấy, Đức Phật nở nụ cười, thì từ miệng Ngài phát ra ánh sáng năm sắc, xoay quanh thân ba vòng, rồi thâu vào đỉnh đầu. Thấy vậy, tôn giả A-nan liền chỉnh trang y phục, chắp tay bạch Phật:
- Thế Tôn không bao giờ cười suông, Ngài cười chắc sẽ nói pháp. Cúi xin Ngài giảng nói!
Đức Phật nói:
- Quý thay! Này A-nan! Ông có lòng từ rộng lớn vì muốn cho tất cả đều thông suốt pháp kiều. Theo phép của sa-môn, ông phải biết điều này. Nay Ta sẽ giảng nói, mọi người phải lắng nghe và ghi nhớ kĩ.
Đức Phật dạy:
- Ở một nước kia có năm trăm người vào biển nhặt châu đặt lên thuyền chở về. Khi thuyền đi ngang qua khu rừng rậm thì mặt trời lặn, nên họ dừng lại ngủ qua đêm và đã thống nhất với nhau sáng mai lên đường sớm. Sáng hôm sau, bốn trăm chín mươi chín người thức dậy cùng nhau lên đường. Một người vì ngủ quên nên thất lạc. Lúc ấy, gặp lúc tuyết rơi, người kia không thấy đường đi lạc vào còn đường cùng, vào núi sâu, khóc lóc, kêu trời. Bấy giờ, có một cây Chiên-đàn hương lớn. Vị thần cây trú ở đó nói với người lạc đường: “Ông có thể nghỉ lại đây, tôi sẽ cung cấp thức ăn, đồ mặc, đợi đến mùa xuân rồi hãy đi”. Người lạc đường đành ở lại chỗ đó. Người ấy ở đó được ba tháng. Một hôm, người kia nói với thần cây: “Tôi nhờ ơn của người nên mới được toàn mạng, nhưng chưa báo đáp mảy may, nhớ đến cha mẹ đang ở quê nhà, thật muốn trở về, xin hãy chỉ đường!” Thân cây nói: “Được!” Rồi thần cây tặng cho người kia một thỏi vàng như chiếc bánh và nói: “Ông sẽ đến một nước cách đây không xa, từ đó ông có thể trở về nhà”.
Lúc sắp ra đi, người lạc đường hỏi thần cây: “Cây này hương thơm thuần khiết, ở đời hiếm có, nay sắp phải lìa xa, xin cho biết tên!” Thần cây nói: “Ông không cần hỏi!” Người kia nói: “Tôi ở nhờ dưới bóng cây này suốt ba tháng, nay sắp rời xa, lòng bồi hồi nhớ nhung. Khi về đến nước rồi sẽ khen ngợi ân của cây!”. Thần cây nói: “Cây này tên là Chiên-đàn, rễ, thân, cành, lá trị được trăm bệnh, hương thơm lan xa, quí hiếm ở đời; nếu người nào tham cầu, chớ nói cho họ biết!”.
Người kia về đến nước, mọi người đều rất vui mừng. Sau đó không bao lâu, vua bị bệnh đau đầu. Dù cầu cúng trời đất, thần núi, thần sông mà bệnh không thuyên giảm. Khi ấy, có một danh y đến xem bệnh cho vua rồi tâu: “Nếu tìm được cây Chiên-đàn hương thì sẽ trị hết bệnh”. Vua cho người đi tìm khắp nơi nhưng không tìm được. Vì thế, vua ban lệnh cả nước: “Nếu người tìm được cây Chiên-đàn hương, trẫm sẽ phong tước hầu và gả công chúa cho”.
Người kia nghe vua sẽ ban thưởng bổng lộc trọng hậu liền vào cung tâu: “Tôi biết chỗ có cây Chiên-đàn hương!” Nghe vậy, vua liền sai cận thần theo người kia đến chỗ đó chặt cây. Đến nơi, sứ giả thấy cây to, thẳng, cành nhánh sum sê, hoa quả óng ánh, thật hiếm thấy, nên không nỡ chặt. Nhưng nếu không chặt thì trái lệnh vua và bệnh của vua không trị được mà chặt thì lòng ray rứt. Đang ngập ngừng, lưỡng lự không biết làm sao, bỗng nghe trong không trung có tiếng thần cây nói: “Hãy chặt! Nhưng nên chừa lại gốc. Chặt rồi lấy máu người bôi lên, lấy ruột gan trùm lên trên thì cây tự nhiên sẽ mọc lại như cũ!”. Sứ giả nghe thần cây chỉ bày như vậy liền sai người chặt. Lúc ấy, người kia đang đứng bên dưới cây, những cành cây đổ xuống nhanh như tên đập chết người kia.
Chặt cây xong, sứ giả bàn với mọi người: “Trước khi chặt cây, thần cây có dặn: ‘Phải lấy máu, ruột, gan người để cúng tế cây’. Lúc ấy, lòng tôi buồn bã, không biết sẽ chọn ai để làm việc ấy. Nay người kia đã chết, chúng ta nên lấy nó để cúng cây”. Rồi họ mổ bụng kẻ ấy, lấy ruột, gan, máu và làm như lời thần cây dặn. Bỗng chốc cây mọc trở lại như cũ. Họ chất cây lên xe chở về.
Ngay lập tức, danh y tiến hành đắp thuốc cho vua, thì vua liền hết bệnh. Vì vậy, cả nước vui mừng. Đồng thời, vua ban lệnh cho nhân dân trong nước, nếu ai có bệnh thì đến cửa cung, vua ban phát Chiên-đàn hương cho họ. Nhờ đó, mọi người đều hết bệnh. Từ đó, vua luôn khỏe mạnh, nhân dân không bệnh, cả nước an vui, đất nước thái bình.
Bấy giờ, tôn giả A-nan rời chỗ ngồi, đến bên Phật, đỉnh lễ và hỏi:
- Vì sao người kia không báo ân mà còn bội ước với thần cây?
Đức Phật đáp:
- Thuở xưa, vào thời Đức Phật Duy-vệ, có ba cha con nhà nọ. Người cha vâng giữ năm giới, thực hành mười điều thiện, thụ trì bát quan trai, chưa lúc nào lười bỏ. Người con lớn thường ra giữa sân đốt hương cúng dường mười phương chư Phật. Người con kế ngu si, không biết Tam bảo, liền lấy áo phủ lên đống hương.
Lúc ấy, người anh nói: ‘Việc này rất quan trọng, sao em dám xúc phạm?’. Người em sinh lòng ác, nên thề chặt hai chân của người anh. Người anh lại nghĩ: ‘Ta sẽ giết đứa em này!’. Người cha nghe hai anh em cãi bèn nói: ‘Hai con cãi nhau làm cha đau đầu quá!’ Người anh đáp: ‘Con xin đem thân này làm thuốc chữa bệnh đau đầu cho cha!’.
Một lời nói ra không bao giờ mất, vì thế mà đời đời thường chịu tội. Người em vì sinh ác ý muốn chặt chân anh, nên về sau dẫn người đến chặt cây. Người anh nay là thần cây, vì muốn giết em, nên mượn thân cây đập chết người em. Vị vua bị bệnh đau đầu chính là người cha. Vì giữ giới tinh chuyên nên được tôn quý. Nhưng vì lúc trước nói: ‘Làm ta đau đầu’, nên chịu quả báo bị đau đầu. Như vậy, mỗi người theo khẩu nghiệp đã tạo mà chịu quả báo của mình.
Đức Phật dạy tiếp:
- Tội phúc, báo ứng như bóng theo hình.
Đức Phật lại nói các giới thuộc về thân, miệng, ý. Ca-la-việt nghe Phật dạy như thế, liền chứng quả Tu-đà-hoàn. Ông dẫn vợ con, đem gia nghiệp dâng cúng Phật. Mọi người đều phát nguyện theo đạo.
Đức Phật nói kinh ấy rồi, Ca-la-việt hoan hỉ đỉnh lễ .
Vô Ưu Shop (biên soạn)